Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

VIỆT NAM

LƯU DẤU KỈ NIỆM
( Tây Thiên 2012 )

Việt Nam lập quốc vào khoảng thế kỷ 7 TCN, như vậy lịch sử đất nước có 2700 năm, thay vì 4000 năm như nhiều người nghĩ. Con số 4000 năm do một số nhà nho đầu thế kỷ 20 đặt ra để cổ vũ lòng yêu nước, trong đó có Tản Đà ( nước 4000 năm ai người lớn / dân 20 triệu vẫn trẻ con) . Hiến pháp 1992 ghi : nước ta có lịch sử mấy nghìn năm. Một sự thận trọng cần thiết. 
Khởi đầu là một nhóm trên lưu vực sông Hồng, sau này gọi là văn minh sông Hồng, họ sống bằng hai nghề chính là đánh cá và trồng trọt. Nhược điểm lớn nhất của người Việt là không có chữ viết. Vì vậy khó biết những suy nghĩ đầu tiên của họ,cũng như những dấu hiệu ban đầu của nền văn minh. Những cái tên như Văn Lang Âu Lạc là do các nhà trí thức của Việt Nam và Trung Quốc sau này dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt. 
Chẳng hạn như từ chữ Po khum, nghĩa là thủ lĩnh, phiên thành Hùng Vương
Từ chữ Tục Pắn, tên riêng, phiên thành Thục Phán 
Từ chữ mệ nương, cô gái tên Nương, phiên thành Mị Nương..... V.v....
Riêng từ Giao Chỉ là do người Hán đặt cho ta. Nó không có nghĩa chỉ hai ngón chân người Việt giao nhau, mà ý nghĩa sâu sa của nó là chỉ một miền đất. 
Từ Văn Lang, tương tự thế, nguyên nghĩa chỉ Con Người. 
Vì không có chữ viết nên óc sáng tạo của người Việt bị hạn chế. Họ chỉ có tư duy cụ thể, và chưa bao giờ đạt tới tư duy trừu tượng. Đặc điểm này có ưu điểm là người Việt sẽ có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, nhưng nhược điểm là suốt hơn 1000 năm phong kiến, không có một nhà khoa học nào đúng nghĩa. 
Ngay khi lập quốc, người Việt đã phải đối phó với ba thách thức : dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh. Ba thách thức này đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Chỉ đến đầu thế kỷ 21 mới cơ bản giải quyết xong. 
Trong ba thách thức đó, chiến tranh là thách thức nghiêm trọng nhất. Nó đến từ phương bắc là chủ yếu. Bi kịch kéo dài hơn 1000 năm bị Trung Quốc đô hộ. Mặc dù đã đồng hoá được hết các bộ tộc phía nam Trường Giang, nhưng Trung Quốc không thể đồng hoá được người Việt. Nguyên nhân cơ bản là cơ sở kinh tế xã hội của người Việt là làng xóm. Họ sống trong làng, với luỹ tre bao bọc xung quanh, văn minh ngoại lai không thể vào được, chỉ quét một lớp sơn trên bề mặt. Từ làng, đến liên làng, đến siêu làng, cả nước là một cái làng lớn. Vì vậy, giữ được làng là giữ được nước, mà muốn giữ làng trước hết phải giữ được tiếng nói. Suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, bằng mọi cách người Việt giữ tiếng nói. Có thể tạo ra một từ ký sinh ví dụ : gà qué, chó má, người ngợm. Trong đó qué, má, ngợm là từ ký sinh bên từ chính. Làm thế để không quên được từ chính. 
Có thể phát minh ra lối nói lái, tiếng lóng, hay từ láy, theo kiểu con chuồn chuồn, con cào cào, con châu chấu.... 
Vì vậy, khi giữ được tiếng nói, dân Việt không bị đồng hóa, dù rất nhiều đời, Trung Quốc đem người Hán sang ở chung với người Việt, kết quả ngược trở lại, những người Hán này trở thành người Việt, nhiều người còn đứng ra lãnh đạo phong trào đấu tranh chống phương Bắc. Điển hình như Lý Bí thế kỷ 6. 
Bước ngoặt vào thế kỷ 10, khi Ngô Quyền giành độc lập vĩnh viễn. Vốn liếng trong tay Ngô Quyền có : tiếng nói, phong tục tập quán, nền kinh tế tiểu nông, chữ viết Hán _Nôm và một lãnh thổ kéo dài đến Nghệ An hiện nay. 
Ba triều đại đầu tiên : Ngô, Đinh, Tiền Lê có tính chất định hình cho chế độ phong kiến Việt Nam. Rất sơ khai, đơn giản trong cấu trúc nhà nước và cơ cấu kinh tế. Chỉ đến khi nhà Lý ra đời 1009, xã hội phong kiến mới định hình rõ nét. Từ Hoa Lư ra Thăng Long không chỉ có ý nghĩa về mặt thay đổi vị trí địa lý, mà còn là sự thay đổi về nhận thức của một ông Vua chuyên chế, quyết tâm xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh. Hai triều đại Lý Trần dựa trên tư tưởng Phật Giáo, do đó tính nhân đạo thể hiện rõ nét. Không có sự cách biệt nhiều giữa vua, quan với dân. Yết Kiêu, Dã Tượng là nô lệ của Trần Quốc Tuấn, nhưng đã trở thành anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên. Phạm Ngũ Lão xuất thân bình dân cũng có thể là môn khách và con rể của Đức Thánh Trần. Một xã hội tương đối êm dịu và nhẹ nhàng, trừ giai đoạn cuối. Nhưng đến thời Lê sơ, mọi sự đã khác. Nhà Lê thắng nhà Minh về mặt quân sự, nhưng thua về tư tưởng, khi độc tôn Nho giáo, bê nguyên mô hình nhà nước của nhà Minh áp dụng ở Việt Nam. Việt Nam đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 15 dưới Vương triều Lê Thánh Tông, cả về kinh tế, văn hoá, chính trị, lãnh thổ Đại Việt mở rộng đến trung trung bộ, so với các quốc gia Đông Nam Á đương thời thì không nước nào sánh bằng. 
Đại Việt không tránh khỏi quy luật nghiệt ngã : khi phát triển đén đỉnh cao, lại là bắt đầu đi xuống. Từ cuối thế kỷ 15, Đại Việt bắt đầu trượt dài về mọi mặt, mặc dù đôi lúc có điểm sáng le lói như Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến. Các cuộc chiến tranh phong kiến liên miên trong các thế kỷ 16, 17, 18 cùng các cuộc khởi nghĩa nông dân đã làm hao mòn vật lực của đất nước. 
Cũng trong thời gian đó, cuộc nam chinh được tiến hành dữ dội, bắt đầu từ chuyến ra đi của Nguyễn Hoàng năm 1558. Đến thế kỷ 17, lãnh thổ đã chạm mũi Cà Mau. 
Tư tưởng Nho Giáo đã gây ra sự trì trệ. Hầu như không một cuộc cải cách nào giành được thắng lợi. Triều đại có tư tưởng thoát nông, trọng thương là nhà Mạc cũng nhanh chóng bị đánh bại bởi lũ vua quan nhà Lê thủ cựu. Các tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly cũng trở thành trò chơi dưới con mắt của các trí thức phong kiến. Trong cái quy luật chung đó, sự ra đời của nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19 là tiếng thở dài cuối cùng của nền chuyên chế Việt Nam. Mặc dù cơ hội cho nhà Nguyễn rất nhiều, khi ngay từ 1804, chính quyền Pháp đã đề nghị đặt quan hệ ngoại giao, tự do buôn bán, cho truyền đạo Thiên Chúa tự do. Nhà Nguyễn khước từ và vẫn hướng về phương Bắc. Cơn mê ngủ của nhà Nguyễn còn triền miên hơn Mãn Thanh. Khả năng phòng thủ đất nước không còn. Chỉ khi tiếng súng nổ ầm bên tai ngày 1/9/1858 , lúc ấy nhà Nguyễn mới tỉnh giấc. Nhưng mọi sự đã an bài.
                                                                                                              Phúc Yên: 28. 10. 2018.

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

VĂN MIẾU

Ảnh Internet.

Có một tỉnh nọ ở Bắc Bộ, xây một công trình cỡ vài trăm tỉ, họ gọi là Văn Miếu, nhưng xây xong không biết thờ ai. Vậy có bài viết này. 
Khổng Tử là nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Quốc, ông sống trong thời Xuân Thu, trước công nguyên khoảng 500 năm. Ông được coi là Vạn thế sư biểu, bậc thầy của muôn đời. Tuy nhiên, lúc ông sống, tư tưởng của ông không được trọng dụng, dù ông đi khắp các nước để giao giảng lý thuyết của mình. Ông chỉ được giữ một chức quan nhỏ ở nước Lỗ, quê ông. Khi ông mất, người ta dựng miếu thờ ông ở Khúc Phụ, Sơn Đông, là quê của ông, gọi là Khổng Miếu, tức miếu thờ Khổng Tử.
Từ thời Hán Vũ Đế, tư tưởng của Khổng Tử trở thành tư tưởng chính thống của các triều đại phong kiến Trung Quốc, nó trở thành giường cột tinh thần không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Đến thời Đường Thái Tông, đầu thế kỷ 7 cn, Đường Thái Tông truy phong cho Khổng Tử tước vị Văn Tuyên Vương, và đổi tên Khổng Miếu thành Văn Tuyên Vương miếu, tức là miếu thờ Văn Tuyên Vương, cũng vẫn là miếu thờ Khổng Tử. Chữ Văn ở đây là chỉ Khổng Tử.
Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long để thờ Khổng Tử, đánh dấu đạo Nho trở thành hệ tư tưởng chính thống của Việt Nam. Văn Miếu ở Thăng Long thờ Khổng Tử và một số đồ đệ của ông như Chu Công. Người Việt duy nhất được thờ trong Văn Miếu là Chu Văn An. ( thật ra Chu Văn An cũng là gốc Trung Quốc, vì thân phụ của Ngài là một người Trung Quốc sang Việt Nam dạy học, lấy một bà ở Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, sinh ra Chu Văn An)
Như vậy, Văn Miếu là miếu thờ Khổng Tử, không phải là thờ văn học hay văn hoá như nhiều người nhầm lẫn. Nếu đã xây Văn Miếu thì chỉ thờ Khổng Tử, không thờ ai khác. Những người khác trong đó chỉ là ăn theo. Ví dụ bây giờ ta xây một cái miếu thờ Các Mác thì phải gọi là Mác miếu, chứ không thể gọi là Văn Miếu được.

                                                                                                     Hà Nội: 30. 9. 2018.
Liên kết đáng xem:
THIỀN THƠ VÀ CẢM XÚC CHIỀU MƯA

ĐỖ MƯỜI

Ảnh Internet.

Ông là sự điển hình của người nông dân Bắc Bộ đi làm cách mạng thế kỷ 20. Đây là một nét độc đáo của lịch sử Việt Nam thế kỷ trước. Và điều này thể hiện cả mặt mạnh và mặt yếu thế hệ ông. Mặt mạnh là lòng yêu nước, sự hăng hái, nhiệt tình, đã tin vào cái gì là làm đến cùng để thực hiện niềm tin đó, và cả sự gan góc đến mức độ không sợ cái chết, điển hình cho điều này là cuộc vượt ngục ở Hoả Lò năm 1940, khi ông dám băng qua cả một hệ thống điện cao thế, trốn thoát ra ngoài tiếp tục sự nghiệp. Ông cùng với nhiều người khác đã tạo ra một thế hệ vàng của lịch sử Việt Nam hiện đại. Một thế hệ không tham nhũng, không vương vấn chuyện gia đình, tất cả vì lý tưởng và Tổ Quốc.
Nhưng, điểm yếu ở thế hệ ông và cá nhân ông, cũng xuất phát từ những điểm mạnh đó. Yêu nước thái quá, nhiệt tình thái quá, tin tưởng thái quá. Và những cái đó in hằn trong lịch sử đất nước. Ông sống chủ yếu trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ông tin tưởng tuyệt đối vào Mac Lenin, căm ghét chủ nghĩa tư bản đến cùng cực, câu nói nổi tiếng của ông: giai cấp tư sản giống như lũ chuột cống, nhìn thấy là phải đập chết. Câu này có cái gì giống như suy nghĩ của Pavel thời nội chiến ở Ucraina: sẵn sàng cầm dao đi sửa bọn tư sản bên Ý.
Ông nghĩ như thế, và trong hoàn cảnh ấy, cũng không trách ông được. Lúc ấy, toàn dân ta vẫn tin rằng: đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ, trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ, vậy có sao đâu khi ta chứng kiến ông làm cuộc cải tạo tư sản ở Sài Gòn năm 1978, đã quét sạch đám tư sản mại bản, chủ yếu là người Hoa, ra khỏi nền kinh tế Việt Nam. Trong một chừng mực nào đó, khối đại đoàn kết dân tộc bị xâm phạm nặng nề, nhiều gia đình lâm vào cảnh khuynh gia bại sản. Nhưng hậu quả đối với đất nước thì trầm trọng và lâu dài, khi cái đầu tàu của nền kinh tế là giai cấp tư sản đã bị chặt đứt. Và thật may mắn, 8 năm sau, ta đã nhận ra sai lầm đó.
Cái sai lầm của ông và những người thuộc thế hệ ông, xuất phát từ thành phần xuất thân. Nông dân đã nói là làm, đã đi là đến,đã bàn là thông. Ông tin thế và làm như thế. Có thể, những việc làm của ông đã ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của đất nước theo hướng tiêu cực, nhưng không ai phủ nhận lòng nhiệt tình yêu nước của ông. Mọi thứ đã được sửa chữa. Và đất nước vẫn đi lên. Niềm vui luôn luôn là cánh cửa, mở đến quanh ta, toàn ta nữa, chan hoà.

                                                                                                         Trần Khoa: 03. 10. 2018.

CHUYỆN BÊN TÀU, BÊN TA

Lý Uyên, người sáng lập ra nhà Đường đầu thế kỷ 7 CN, có hai người con nổi tiếng là Lý Kiến Thành ( cả) và Lý Thế Dân ( thứ) . Thế Dân giỏi hơn, có công lao chính trong việc lật nhà Tuỳ và các thế lực cát cứ. Lý Uyên lại muốn truyền ngôi cho Kiến Thành, con trưởng. Trước tình hình đó, Thế Dân sử dụng kế " dĩ nhân phát chế ", lừa Kiến Thành đến Huyền Vũ môn, và bắn chết Kiến Thành. Đó là sự kiện Huyền Vũ môn nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc năm 626. Sau đó Thế Dân lên ngôi Hoàng Đế Đại Đường, gọi là Đường Thái Tông, niên hiệu Trinh Cát.
CHUYỆN BÊN TA
Đầu thế kỷ 13, nhà Trần thay nhà Lý. Trần Thủ Độ là kiến trúc sư của triều đại mới. Ông không có con, chỉ có hai người cháu là Trần Liễu ( anh) và Trần Cảnh ( em). Thủ Độ đưa Trần Cảnh lên ngôi vua. Có thể suy đoán, do Trần Liễu quá giỏi nên Thủ Độ không chọn, ông chọn người tài năng kém hơn để dễ sai khiến. Tất nhiên, một người có thể sinh ra Trần Hưng Đạo thì không thể là người tầm thường.
Sau đó, Thủ Độ còn bắt Trần Liễu nhường vợ cho Trần Cảnh. Đã không được lên ngôi vua, lại mất vợ, Trần Liễu nổi loạn chống lại Thủ Độ. Bị Thủ Độ đánh bại, ông chạy ra Đông Triều, Quảng Ninh.
Trần Cảnh thương anh, trốn ra Quảng Ninh. Hai anh em ôm nhau khóc trên thuyền. Trần Cảnh muốn nhường ngôi cho anh. Thủ Độ nghe tin, ra ngay Đông Triều, cầm gươm toan chém Trần Liễu, Trần Cảnh ôm chặt lấy anh, khóc. Sau đó, Trần Liễu đầu hàng, bãi binh. Trần Cảnh chính thức lên ngôi, gọi là Trần Thái Tông, niên hiệu Nguyên Phong. Trần Liễu được phong tước An Sinh vương
Bình luận về chuyện này, vua Trần Dụ Tông có bài thơ :
Sáng lập Đường Trần nhị Thái Tông
Kia xưng Trinh Cát ngã Nguyên Phong
Kiến Thành bị hại, An Sinh tại
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng

                                                                                               Trần Khoa :05. 10. 2018.

TỪ HỒ SĨ TẠO ĐẾN HỒ CHÍ MINH

Câu chuyện này, nhiều người biết, cũng nhiều người chưa biết, vậy viết lại để ai đã biết thì đọc lại, ai chưa biết thì biết thêm về những người không nổi tiếng, nhưng lại nhờ một người nổi tiếng, trở thành nổi tiếng ( theo cách nói của gs Trần Quốc Vượng) . Bài này viết lại theo trí nhớ bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng, tác giả Búp sen xanh, và bài dã sử của gs Trần trong tập sách Trong cõi ( xuất bản ở Mĩ) . 
Giữa thế kỷ 19, ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có nhà nho Hồ Sĩ Tạo, một người hay chữ. Lúc ấy, ông đang dạy học ở nhà họ Hà. Nhà họ Hà có cô Hà Thị Hy, năm đó khoảng 20 tuổi. Cô Hà Thị Hy, xinh gái, hát hay, đặc biệt có điệu múa đèn nổi tiếng, nên dân làng gọi là cô Đèn. 
Thời gian trôi, Hồ Sĩ Tạo và cô Hà Thị Hy phải lòng nhau, kết quả, cô Hà Thị Hy mang thai. 
Nhưng Hồ Sĩ Tạo đã có vợ con, mặt khác ông không muốn đèo bòng thêm tập nữa, vì cô Hà Thij Hy cũng thuộc loại xướng ca, không hợp với vị trí nhà nho như ông. 
Lúc ấy ở làng Sen, Nam Đàn có một lão nông tri điền tên là Nguyễn Sinh Nhậm. Ông này vợ chết, có một con trai tên là Nguyễn Sinh Thuyết. Nhờ người mai mối, cô Hà Thị Hy đã lấy ông Nhậm. Cưới được mấy tháng thì cô sinh được một con trai, đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc ( thực ra là con của Hồ Sĩ Tạo). 
Tất nhiên sẽ dẫn đến chuyện có sự tranh giành nhà cửa giữa Nguyễn Sinh Thuyết với Nguyễn Sinh Sắc, hai anh em, nhưng thật ra không có quan hệ ruột thịt với nhau.
Để tránh chuyện ấy, ông Nhậm đưa Nguyễn Sinh Sắc sang nhà ông Hoàng Xuân Đường, ở Hoàng Trù, Nam Đàn, cũng là một nhà nho, làm người ở thuê, chăn trâu cắt cỏ. Vốn là nhà nho, ông Hoàng Xuân Đường nhận thấy ở cậu Sắc những nét khác người, không phải loại vai u thịt bắp ( tất nhiên là thế, vì cậu Sắc là con Hồ Sĩ Tạo). Nhà nho Hoàng Xuân Đường đã cho Sắc ăn học, và gả con gái là Hoàng Thị Loan cho cậu,cho nhà cửa, đất đai. Sau này, những người con của ông bà Sắc _Loan: Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyên Thị Thanh, Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Sinh Sin đều ra đời ở quê ngoại Hoàng Trù. 
Nguyến Sinh Sắc đi thi mấy lần, đều trượt. Hồ Sĩ Tạo, dù không dám nhận con, nhưng vẫn âm thầm theo dõi. Nhờ sự vận động của ông với bạn bè ở Huế, năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng trong kỳ thi năm đó. Những người đỗ chính thức được ghi tên trên bảng chính. Những người đỗ vớt được ghi tên trên bảng phụ, gọi là phó bảng. Nguyễn Sinh Sắc thuộc loại thứ hai.
Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Sinh Sắc phải về quê nội làng Sen làm lễ vinh quy bái tổ, nhận sắc phong của Thành Thái. Sau đó ông được bổ nhiệm làm quan ở Bình Khê, Quảng Nam. Gia đình cũng dịch chuyển vào Huế. 
Trong một lần say rượu, Nguyễn Sinh Sắc mắc tội ngộ sát, cho lính đánh chết một người nông dân. Gia đình người này kiện lên quan trên, ông Sắc mất chức. Lúc ấy bà Loan đã mất. Ông phiêu bạt vào phương nam xa xôi. 
Cùng thời gian đó, Nguyễn Tất Thành cũng di chuyển từ Huế vào Sài Gòn. Ông cả Khiêm và bà Thanh vẫn ở Nghệ An.
Gia đình Nguyễn Sinh Sắc vẫn nhớ gốc gác họ Hồ của mình. 
Ông Sắc phiêu bạt vào tận Cao Lãnh, Đồng Tháp,làm nghề dạy học và bốc thuốc. Ông lấy một bà ở đó, hai ông bà đẻ được một con trai, người này sau đi tu, là một nhà sư. Ông Nguyễn Sinh Sắc mất năm 1937 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. 
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chắc chắn biết nguồn gốc họ Hồ của mình. Tất nhiên là thế. Cái tên Hồ Chí Minh ra đời năm 1941, khi Người sang Trung Quốc công tác. Ba chữ Hồ Chí Minh nghĩa là gì? Hiểu nôm na là người họ Hồ đến chỗ ánh sáng ( đại khái thế) . Nhưng người Nghệ An có kiểu nói lái. Chí Minh là chính mi. Hồ Chí Minh: chính mi là họ Hồ.
                                                                                                      Trần Khoa: 07. 10. 2018.

PHẠM QUỲNH

Ảnh Wikipedia 

Ông xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 như một hiện tượng đặc biệt, khi văn minh phương Tây đã vào Việt Nam, nhưng chưa định hình, văn hoá truyền thống đang thở những giờ cuối cùng, vẫn còn thoi thóp, một xã hội hỗn canh hỗn cư, đầy biến động và lo âu. Trong bối cảnh đó, tạp chí Nam Phong của ông như làn gió mới thổi vào cuộc sống tinh thần dân tộc. Ông là cái gạch nối đông tây. Ông muốn dang tay chào đón nền văn minh mới, nhưng vẫn muốn duy trì văn hoá cổ truyền, và muốn đem lại cho nó một sức sống mới. Ông kết nối hai nền văn hoá đông tây, đưa văn hoá Việt Nam ra thế giới, và đưa văn minh phương Tây đến Việt Nam. Những kẻ không hiểu ông, lại cho ông có đủ tiếng Hán để lừa Pháp và có đủ tiếng Pháp để bịp người Việt. Thực tế, trên tạp chí Nam Phong, người ta có thể thấy đây là một bộ Bách Khoa toàn thư về Việt Nam và thế giới lúc đó. Với vốn kiến thức sâu sắc, ông đã mở mang dân trí, khai thông dân khí, đề cao chữ quốc ngữ, đặc biệt ông có lý khi nói rằng: tiếng ta còn, nước ta còn. Chẳng phải hơn 1000 năm Bắc thuộc, người Việt không bị Hán hoá là do người Việt giữ được tiếng nói đó sao? 
Ông có biệt tài trong viết du ký.Ba tác phẩm nổi tiếng của ông trên Nam Phong: Pháp du hành trình nhật ký, Ba tháng ở Nam Kỳ, Mười ngày ở Huế đã cho chúng ta những kiến thức văn hoá vô tận. Chuyến đi Pháp của ông đầu những năm 20 thế kỷ trước đưa ta từ Hải Phòng, Vũng Tàu, đến Xinhgapo, Ấn Độ Dương, kênh Xuye, tới Châu Âu, và ở vùng đất nào, ông cũng có những kiến thức sâu rộng và mới mẻ. 
Nếu chỉ có thế, thì ông mãi mãi được người Việt tôn kính là nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn. Bước ngoạt cuộc đời ông năm 1933, khi ông bỏ Hà Nội bỏ Nam Phong, vào Huế làm Thượng Thư, bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông ngây thơ, khi không biết rằng hai lĩnh vực đó hoàn toàn khác nhau. Làm quan cho một chính quyền bù nhìn đã là sai lầm, mà sai lầm lớn hơn là ông nhảy từ địa hạt văn hoá sang lĩnh vực cai trị. Trong bối cảnh đó, ông phải đưa ra chính kiến của mình. Ông chủ trương xây dựng ở Việt Nam chế độ quân chủ lập hiến. Cái thể chế này do nước Anh phát minh ra cuối thế kỷ 17, đến thời ông, không mới cũng không cũ. Nhưng ông cô đơn giữa bao nhiêu thế lực. Trên ông là lũ vua quan bù nhìn, là Pháp, là Nhật. Nên mọi ý tưởng của ông đều chỉ là ý tưởng. 
Nếu ông chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hoá, thì có lẽ bây giờ ở Hà Nội, Sài Gòn sẽ có một con phố nhỏ mang tên ông, như những người cùng thời với ông: Nguyễn Văn Ngọc Phan Kế Bính... 
Và nếu có điều đó, thì cuộc đời của ông cũng đỡ bi thảm hơn.
Ông không được chấp nhận, khi lịch sử thay đổi. Cuộc cách mạng tháng 8, mùa thu năm 45 đã không chấp nhận ông. Chỉ vài ngày sau khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn ở Ba Đình, vào một đêm mùa thu định mệnh trên đất cố đô, người ta đã lôi ông ra khỏi ngôi biệt thự ven sông Hương, và bắn chết ông. Cái chết của ông đến giờ vẫn đầy bí hiểm. Ai ra lệnh giết ông? Ai là người bắn ông? Nhưng chắc chắn không phải là những lãnh tụ của Đảng cộng sản, họ không có lý do gì để hại ông. 
30 năm sau ngày ông ra đi, một người con trai của ông đã viết những câu: như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Chẳng biết nơi chín suối, ông có ngậm cười?
                                                                                                  Trần Khoa: 09. 10. 2018.

NƯỚC MĨ

Ảnh Internet

Khi C.Colombos giong buồm ra khơi mùa thu 1492, không ai ngờ ông đã tìm ra một vùng đất mới, và từ vùng đất mới ấy, người ta đã xây dựng một thế giới mới, thế giới dân chủ. 
Mĩ là nước làm cách mạng tư sản thứ ba, sau Hà Lan và Anh. Nhưng cách mạng Hà Lan thế kỷ 16 chỉ như một phát súng lạnh tanh trong đêm trường trung cổ, cách mạng Anh thế kỷ 17 là sự chiết trung giữa phong kiến và tư bản. Chỉ đến khi nước Mĩ xuất hiện, với Hiến pháp 1787, nền dân chủ của xã hội hiện đại mới định hình. Vài năm sau, khẩu hiệu : tự do, bình đẳng, bác ái của Pháp, trên thực tế, cũng thoát thai từ nền dân chủ Mĩ. 
Mĩ có gần 100 năm yên bình, không gây tiếng vang gì trên thế giới, đó là thời kỳ Anh Pháp làm mưa làm gió ở châu Âu và phương Đông. Chỉ đến 1865, nội chiến kết thúc, Mĩ bắt đầu bừng tỉnh, và bản đồ thế giới được vẽ lại. Có 5 người đàn ông đã xây dựng nước Mĩ hiện đại vào cuối thế kỷ 19 : Vandobis _vua đường sắt, Roccofailo _ vua dầu lửa, Moocgan _vua thép và điện, Henri Pho _ vua ôtô, và một người đàn ông không phải là vua, mà là biểu tượng của khoa học kỹ thuật Mĩ _ Eđison. Những người đàn ông này đã đưa Mĩ lên vị trí số một thế giới, sau hơn 100 năm lập quốc,và đứng ra lãnh đạo thế giới đến ngày nay. 
Vì xã hội Mĩ là sự cởi mở tối đa, ở đó tài năng con người được phát huy cao nhất, nên tạo ra giá trị vật chất lớn nhất. Nhưng họ vẫn có thế giới tinh thần dẫn đường, đó là đạo Thiên Chúa. Chúa đưa đường cho họ đi lên. Bốn trụ cột của xã hội Mĩ :
1, nền dân chủ 
2,giai cấp tư sản 
3,khoa học kỹ thuật 
4, văn minh Thiên Chúa giáo 
Và như vậy, nước Mĩ có lẽ không có chỗ đứng cho chủ nghĩa Mác. Có sự khác biệt rất lớn giữa nước Mĩ với chủ nghĩa Mác. 
Mác cho rằng giaicấp vô sản là giai cấp tiên tiến nhất thời đại, có sứ mệnh đào hố chôn giai cấp tư sản. 
Nước Mĩ cho giai cấp tư sản là tiên tiến nhất, và họ không chôn ai cả 
Mac cho đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội 
Nước Mĩ cho sự phát triển khoa học kỹ thuật là động lực phát triển xã hội 
Mac vô thần 
Nước Mĩ có Chúa dẫn dắt 
Hiện thực lịch sử chứng minh nước Mĩ đã đi đúng hướng. 
Một nước Mĩ văn minh, và có một nước Mĩ láu cá, gian giảo, khôn ngoan. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Mĩ luôn tham chiến muộn. Trony đệ nhất thế chiến (1914 _1918), Mĩ ngồi trên núi xem hai con hổ đánh nhau, chỉ đến khi bọn Đức bị dồn nén ở hai đầu đông tây như cái lò xo, lúc ấy Mĩ mới nhảy vào chia phần, khi lũ lính Nga, Pháp, Anh, Đức như một bọn ăn mày trong mùa đông Âu châu giá lạnh, những người lính Mĩ, quần áo bảnh bao, thơm phức nước hoa, kẹo xinhgum nhai nhóc nhách, thuốc lá Ruby thơm lừng, xuất hiện ở bờ tây châu Âu, để ngày 11/11/1918, họ nói tiếng nói cuối cùng trên chiến trường, lúc đó bọn Anh Pháp Đức mới ngã người, khi chỉ có Mĩ mới là kẻ chiến thắng. Trong đệ nhị thế chiến, Mĩ lại định diễn lại trò này, nhưng không thành, do Nhật quyết lôi Mĩ vào vòng chiến, với sự kiện Trân Châu cảng 12/1941. Tính chất gian hùng và láu cá của Mĩ trở thành nghệ thuật, chi phối hết các đời Tổng thống Mĩ. Ai theo Mĩ thì được yên ổn 
Ai chống Mĩ thì Mĩ làm đủ trò phá hoại, từ đảo chính đến gây bạo loạn, đến xâm lược. 
Nhưng, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Mấy trăm năm qua, Mĩ đúng là con hổ dữ, giơ nanh vuốt cào cấu lên mặt nhân loại, để lại một thế giới vừa bình yên, vừa nham nhở, vừa trật tự, vừa hỗn loạn. Nỗi đau của nước Mĩ mang tên Việt Nam. Đến giờ, người Mĩ vẫn không hiểu vì sao họ thua ở Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Mĩ đã không biết câu tục ngữ Việt Nam : làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Mĩ thua ở Việt Nam, vì đã dựng ra một bọn tay sai ngu về chính trị, tham về vật chất, là ông Diệm và ông Thiệu. Thực tế, các ông này chỉ là công cụ của Mĩ, và Mĩ đã chết chìm cùng với bọn tham quan này ở Việt Nam. Nếu các Tổng thống Mĩ chọn được vài người có trí tuệ cỡ các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, chứ chưa cần nói đến Cụ Hồ, thì tình thế có thể khác. 
Một nước Mĩ kiêu ngạo và trịch thượng. Người Mĩ từng tự hào : quỹ tiền tệ thế giới của ai? Của Mĩ. Tổ chức WTO của ai? Của Mĩ. Liên hiệp quốc của ai? Của Mĩ. Toàn cầu hoá là gì? Là Mĩ hoá thế giới. Sau khi thổi tan Liên Xô năm 1991, và sau khi lật đổ Xatdam Hutxen 2003, Tổng thống Mĩ ngạo nghễ nói : từ bây giơ, nước Mĩ không có đối thủ về mọi mặt. 
Nhưng, lúc đạt đến đỉnh cao nhất, cũng là lúc dễ đổ vỡ nhất, và mong manh nhất. Mĩ đâu ngờ lúc đó, con sư tử phương Đông, sau mấy trăm năm ngủ quên, đã bắt đầu thức giấc thách thức Mĩ. 
Năm 1972, Nixon và Kitxinhgio gõ cửa Trung Quốc, đưa Trung Quốc hoà nhập thế giới, định dùng Trung Quốc làm đối trọng chống Liên Xô. Nhưng, Mĩ không ngờ sau khi Liên Xô sụp đổ, lợi dụng sự hào phóng của Mĩ, đất nước của Tào Tháo đã vùng dậy quật khởi, làm thế giới choáng váng, từ gã nghèo khổng lồ đã vụt thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thách thức Mĩ. 
Hỏi : Mĩ có sợ Trung Quốc không? 
Đáp : có sợ 
Hỏi tiếp : Mĩ có sợ Trung Quốc không? 
Đáp : không sợ. 
Vì, nước Mĩ luôn luôn có câu trả lời đúng. Thượng đế đã chọn Trump để làm cho nước Mĩ vĩ đại trở lại. 
Và bài học từ Việt Nam, Iran Cuba, Bắc Hàn : đừng dại đối đầu với Mĩ, nếu không muốn trở thành những kẻ khốn nạn. 
Một quốc gia như thế, không xứng đáng lãnh đạo thế giới, thì còn nước nào nữa?????
                                                                                                    Trần Khoa: 15. 10. 2018.

TRUNG QUỐC

Ngay khi lập nước, họ gọi tên nước là Trung Quốc, nước ở trung tâm thế giới. 
Đến đời nhà Chu, có thêm từ Trung Hoa, xứ văn minh ở trung tâm 
Còn nhiều tên khác nữa, như Trung Nguyên, Trung Hạ, Thần Châu... đều có ý nghĩa chỉ xứ trung tâm trời đất. 
Dân Việt gọi họ là Tàu. Từ này xuất hiện cuối Minh đầu Thanh, khi những người Trung Quốc di cư sang Việt Nam trên những con tàu biển. Xuất hiện hai cụm từ : Tàu ô, chỉ những con tàu sắt màu đen kịt, và Tàu khựa ( do người Việt để răng đen, người Trung Quốc để răng trắng nên có chữ này, khựa nghĩa là răng trắng) 
Phương Tây gọi họ là China. Nguyên do vào đời Minh, đồ gốm Trung Quốc chủ yếu sản xuất tại trấn Cảnh Đức, Giang Tô, đồ gốm khi xuất sang châu Âu, chỉ ghi hai chữ Cảnh Đức, người Anh phiên âm thành China, từ đó họ gọi nước Trung Quốc là China 
Đầu tiên chỉ là một bộ tộc Hoa Hạ trên lưu vực sông Hoàng Hà, sau mấy ngàn năm, bộ tộc ấy nuốt vào bụng không biết bao nhiêu quốc gia lớn nhỏ,thành Trung Quốc hôm nay. Cũng có lúc họ bị xâm lược, nhưng đấy là cái bẫy của họ. Điển hình hai trường hợp : Mông Cổ và Mãn Thanh. Thế kỷ 13, Hốt Tất Liệt xâm lược Trung Quốc, lập nhà Nguyên, kết quả toàn bộ người Mông Cổ vào Trung Nguyên biến thành người Hán, Mông Cổ mất một nửa đất nước cho Trung Quốc, đó là Khu tự trị Nội Mông hiện nay. Mãn Thanh còn bi thảm hơn. Năm 1644, họ tràn qua Sơn Hải Quan, diệt Minh, lập Thanh triều, vài trăm năm sau, người Mãn thành người Hán tất, cái duy nhất còn lại là cái đuôi sam cũng bị cắt nốt sau 1911. Đến giờ, chỉ còn lại độ 10000 người Mãn sống ở vùng đông bắc, ngồi tưởng nhớ quá khứ huy hoàng của dòng họ Ái Tân Giác La ngày xưa. 
Nước duy nhất Hoa Hạ không đồng hoá được, là xứ Giao Chỉ, dù nó cai trị trên dưới 1000 năm,với nhiều thủ đoạn dã man, hèn hạ. Có ba nhân tố làm cho dân Việt giữ được nước, đó là làng xóm, luỹ tre xanh và thói quen lười học ngoại ngữ của người Việt. 
Cũng có lúc Trung Quốc định giăng bẫy, khi các thủ đoạn đồng hoá vô tác dụng. Đó là thời kỳ Tây Sơn. Càn Long hứa trả cho Quang Trung hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Thật may mắn, Quang Trung mất sớm, nên ý định đó không thực hiện được. Nên nhớ Lưỡng Quảng có diện tích và số dân gấp hai lần Việt Nam. 
Tất nhiên, họ phải có đầu óc sáng tạo. Sáng tạo đầu tiên của người Trung Quốc chính là chữ viết. Trên thế giới, không có thứ chữ tượng hình nào phong phú như chữ tượng hình Trung Quốc. Đằng sau mỗi chữ là một khái niệm. Đọc một bài thơ bằng chữ Hán như xem một bức tranh. Trong chữ hưu (hưu trí) có ông già ngồi dưới gốc cây. Trong chữ An, có người phụ nữ ngồi trong ngôi nhà. Trong chữ Tửu (rượu) có 3 giọt nước bên cạnh cái bình......... Chính chữ viết đã kết nối các tiểu quốc thành quốc gia vĩ đại Trung Hoa. 
Từ Tần Thuỷ Hoàng, ông vua phong kiến đầu tiên, đến Phổ Nghi, ông vua cuối cùng, tổng cộng Trung Quốc có 494 Hoàng Đế, với vài chục triều đại, 6 kinh đô. Nhà Tần khởi đầu, và không có ấn tượng gì ngoài Vạn Lý Trường Thành. Nhà Hán bắt đầu định hình cơ cấu xã hội phong kiến, kéo dài hơn 400 năm, giữ vai trò quan trọng nhất lịch sử Trung Quốc, không triều đại nào so sánh được. Nhà Đường đạt mức độ thịnh trị nhất thế giới về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị văn hoá, đồ gốm sứ đi đến tận châu Âu, thơ Đường là đỉnh cao của ngôn ngữ văn minh nhân loại, bằng Tiến Sĩ thời Đường là học vị cao nhất thế giới. Thời Tống nổi tiếng với các phát minh. Nguyên, ngoại lai, nhạt nhẽo. Minh triều, bắt đầu có sự kết nối Trung Quốc với thế giới qua cuộc hành trình của Trịnh Hoà đầu thế kỷ 15, và mầm mống tư bản xuất hiện. Và khi người Mãn Thanh vào Trung Nguyên, Trung Quốc bắt đầu ngủ yên. 
Trong sân khấu chính trị ấy, xã hội Trung Quốc có đủ các gương mặt. Có tiểu nhân và quân tử. Có bọn thái giám và ngoại thích. Có Nhạc Phi ngồi cạnh Tần Cối, Đổng Trác cùng Gia Cát Lượng. Có tứ đại mĩ nhân, tứ đại kỳ thư, tứ đại phát minh. Người ta vừa kính phục, vừa sợ, vừa căm ghét. 
Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, có bóng dáng của một con người vĩ đại, dù ông chưa một ngày làm Vua, nhưng là ông Vua tư tưởng. Khổng Tử. Tư tưởng của ông là cơ sở tinh thần cho xã hội phong kiến Trung Quốc. Giống như Mĩ, cơ sở tinh thần là văn minh Thiên Chúa giáo. 
Tư tưởng Khổng Tử có tác dụng đảm bảo cho xã hội cân bằng, nhưng có nhược điểm là bảo thủ, hướng nội, khó tiếp thu cái mới. 
Thế kỷ 17, châu Âu bắt đầu bừng tỉnh, với các cuộc cách mạng tư sản và các nhà khai sáng như G.Ruxo, Đidoro, Kand, Vonte, Decac, Paxcan..... thì Trung Quốc đang trong giấc mộng. Họ đang say sưa với Trường An, Lạc Dương, những thành phố lớn nhất thế giới say sưa với 4 phát minh, mà có biết đâu, châu Âu đã lợi dụng thuốc súng của họ, chế ra đại bác, chuẩn bị bắn vào đầu họ. 
Trung Hoa đã trở nên vô cùng lạc hậu vào giữa thế kỷ 19. Lúc ấy, các nước phương Tây đến mở cửa, giống như họ đã mở Nhật Bản. Nhưng thành trì Trung Quốc quá vững. Văn minh phương Tây chỉ như lớp sơn bề ngoài. Một Trung Quốc đầy chia rẽ và bệnh hoạn. Phương Tây giống như một lão già bệnh tật, hãm hiếp nền văn minh Trung Quốc, không đem lại sự sinh sản, mà gây ra bệnh tật và sự khổ đau. 
Văn minh phương Tây không có đất sống ở Trung Quốc. Họ phải có con đường riêng. Tam quyền phân lập, lưỡng viện Quốc Hội, khẩu hiệu tự do bình đẳng bác ái, chế độ đa nguyên.. 
hầu như không hợp với Trung Quốc. 
Chỉ đến khi họ bị dìm đến đáy, họ mới vùng dậy. Cái đáy này là năm 1978, khi Trung Quốc trở thành gã nghèo khổng lồ của thế giới. 
Tư tưởng dân chủ tư sản, chủ nghĩa Mac đều không phù hợp với họ. Họ cần con đường riêng. Người xây con đường riêng ấy là Đặng Tiểu Bình Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình. 
Nhưng xuyên suốt lịch sử Trung Quốc từ cổ đến kim, là tư tưởng Đại Hán, xâm lược, cướp giật. Đó là bi kịch của các nước xung quanh. Nếu khôn ngoan, hãy chung sống hoà bình, và lợi dụng con hổ này để kiếm tiền. 
Dại dột thì đối đầu, như đối đầu với Mĩ. 
Trong tương lai, Trung Quốc có trở thành một nước dân chủ như phương Tây hay không? Chắc chắn không. 
Bài học lớn nhất từ lịch sử Trung Quốc là : nếu chính quyền trung ương suy yếu thì đất nước sẽ bị chia cắt, mà đã chia cắt là kéo dài vài trăm năm. 
Vậy tương lai Trung Quốc sẽ thế nào? 
Tôi tin theo lời Ngài Lý Quang Diệu, khi ông cho rằng, có thể Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mĩ về kinh tế, nhưng không bao giờ Trung Quốc đuổi kịp Mĩ về khoa học và quân sự. 
Vì sao vậy? 
Vì Trung Quốc vướng cái rào cản ngôn ngữ. Chữ Hán là thứ chữ của nghệ thuật, thơ ca. Còn tiếng Anh mới là ngôn ngữ của khoa học và kỹ thuật. 
Vậy, cứ để cho họ mơ giấc mơ Trung Hoa. 
Mọi giấc mơ đều đẹp
                                                                                            Trần Khoa: 20. 10. 2018.

NƯỚC NGA

Khi Trump thức giấc, ông cười hạnh phúc, vì xung quanh ông toàn bạn bè. Trên là Canada, dưới là Mexico, dưới nữa là Mĩ latinh, xa hơn là Âu, Á, Phi, tất cả đều có giấc mơ Mĩ.... 
Khi Putin tỉnh giấc, xung quanh đều là kẻ thù. Châu Âu ngoảnh mặt làm ngơ, Á, Phi, Mĩ latinh cũng thế. May chỉ có Xyry đang chìm trong bom đạn, hay một Trung Quốc lỏng lẻo, lúc nào cũng muốn ăn sống nuốt tươi kẻ khác, hay một Việt Nam xa xôi yếu kém về mọi mặt... 
Hình như từ lúc lập quốc, nước Nga đã cô đơn như thế. Lặng lẽ đi lên.Hơn 1000 năm trôi qua, Nga giống như một con trâu cần mẫn, gặm hết đồng cỏ này đến đồng cỏ khác, để hôm nay là một nước Nga lớn nhất thế giới, hơn 17 triệu km vuông. Mảnh đất cuối cùng vừa gặm xong năm 2014 , mang tên Crrưm.... 
Khác với Trung Quốc, Nga chỉ chiếm được đất, chứ không đồng hoá được các dân tộc khác. Chứng tỏ văn hoá Nga không mạnh bằng văn hoá Trung Quốc. Dù ở châu Âu, nhưng Nga chưa hoà nhập với châu Âu bao giờ. Ngày xưa thế, bây giờ vẫn thế. Văn minh Slavo vẫn cách biệt với văn minh Giecman. Chủ nghĩa Đại Nga chỉ làm người ta sợ, chứ không nể trọng. 
Có lúc, Nga muốn hoà nhập, đó là cuộc cải cách vĩ đại của Piot Đại để cuối thế kỷ 17, khi ông xây thành Xanh Petecbua, du nhập kỹ thuật của Táy Âu vào Nga. Nhưng cũng chỉ có thế, dù thời ấy, Nga là cường quốc trên biển. Nga vẫn đứng sau Tây Âu và Bắc Mĩ, rồi sau cả Nhật Bản. 
Cái gì cản trở nước Nga, mặc dù họ có nguồn tài nguyên lớn nhất thế giới? 
Đó là chế độ chuyên chế Nga Hoàng và chế độ nông nô. 
Trong khi Tây Âu và Bắc Mĩ đạt tới nền dân chủ tư sản, thì đầu thế kỷ 20, Nga vẫn chìm trong nền chuyên chế. 
Một bước ngoặt năm 1917. Năm đó ở Nga diễn ra hai cuộc cách mạng. Cách mạng tháng hai đưa nước Nga từ một nước phong kiến thành một nước tư bản. Cách mạng tháng 10 biến nước Nga từ một nước tư bản thành một nước cộng sản. 
Lẽ ra, nước Nga chỉ dừng ở Cách mạng tháng Hai thì bây giờ địa vị của Nga đã khác.
Hai người quyết định tới lịch sử Nga thế kỷ 20 là K.Marx và Lenin. Mục tiêu không giấu diếm của hai ông là tiêu diệt tư bản, đưa vô sản lên cầm quyền, bằng cách làm bạo động lật đổ. 
Đó là một sự cực đoan. 
Chủ nghĩa phát xít là sự cực đoan của một dân tộc , dân tộc Giecman. 
Bọn IS là sự cực đoan của một tôn giáo, đạo Hồi. 
Chủ nghĩa Mác là sự cực đoan của một giai cấp, giai cấp vô sản. 
Liên Xô, với hạt nhân là nước Nga, là sự thể hiện về vật chất và tinh thần của cái cực đoan ấy. Liên Xô vừa là bản hùng ca của thế kỷ, vừa là bi kịch của hàng triệu người xô viêt.
Là bản hùng ca khi họ tiêu diệt tận gốc bọn phát xít, có một nền quốc phòng cực kỳ hiện đại đến Mĩ phải nể sợ, có đồng minh khắp nơi, mặc dầu lỏng lẻo, và là một trong hai siêu cường của thế giới, chi phối toàn bộ đời sống chính trị thế giới. 
Nhưng Liên Xô là một vở bi kịch của hàng triệu người dân. Ngay sau khi cách mạng tháng 10 thành công, nạn nhân đầu tiên của họ là gia đình Nga Hoàng. Vụ sát hại dã man mấy chục con người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em trong dòng họ Nga Hoàng xảy ra ở thành phố Ekatorinbua năm 1918. Mãi đến khi B.Enxin lên cầm quyền mới minh oan được cho họ. 
Tiếp đó là hàng loạt các vụ đàn áp, diệt chủng xảy ra thời Xtalin cai trị. 
Rồi cuộc chạy đua vũ trang với Mĩ trong chiến tranh lạnh. Bao nhiêu tiền của dốc vào chế bom hạt nhân và tàu vũ trụ. Cuộc sống của nhân dân bị quên lãng. 
Liên Xô chạm đáy năm 1985. Lúc ấy, muốn mua một cái xe hơi phải đợi 10 năm. Có một người Nga đăng ký mua xe, sau khi làm xong một đống giấy tờ, người bán hàng nói ông về đi, 10 năm nữa đến nhận xe. Khách hàng hỏi : đến sáng hay chiều? Người bán hàng nói, đợi 10 năm còn được, vậy sáng hay chiều thì quan trọng gì. Khách hàng nói : không phải, vì buổi sáng có thợ đến sửa ống nước. 
Sự xuất hiện của Goocbachop năm 1985 tưởng cứu vãn Liên Xô, nhưng hoá ra làm cho sự sụp đổ xảy ra nhanh hơn. 
Cuộc thí nghiệm về CNXH ở thế kỷ 20 đã thất bại hoàn toàn sau gần 70 năm tồn tại. Trong y học, người ta thí nghiệm trên chuột bạch. Còn CNXH khoa học được thí nghiệm trên cơ thể người. Khoa học lại về không tưởng. 
Nước Nga kế tục Liên Xô, nhưng không thể nào lấy được vị trí của Liên Xô ngày xưa, dù Putin thiên tài đến đâu. 
Có tương lai nào cho nước Nga hiện nay? Rất mờ mịt. Có lẽ chỉ khi nào họ hết dầu mỏ và khí đốt, lúc ấy họ mới tìm được con đường. Một đất nước diện tích lớn nhất thế giới, dân số hơn trăm triệu, tài nguyên bao la, mà kinh tế kém cả xứ Nam Hàn, Nhật Bản. 
Nạn nghiện rượu và sự giảm sút về sinh đẻ đang cản trở nước Nga. 
Và nữa, nếu khoa học thế giới phát triển, tuổi thọ con người đạt tới 150 tuổi, thì Putin sẽ làm Tổng thống đến năm ông 138 tuổi.... 
Bi kịch cho Nga, một quốc gia hết nhân tài
                                                                                           Trần Khoa 24.10.2018.

TẢN MẠN VỀ TRUNG QUÔC

Chưa bao giờ dân Việt lại ghét Tàu như bây giờ, ghét cay ghét đắng.  Giống như ngày xưa, có thời ghét Pháp, ghét đến mức độ nếu có điều kiện...