LƯU DẤU KỈ NIỆM
( Tây Thiên 2012 )
Việt Nam lập quốc vào khoảng thế kỷ 7 TCN, như vậy lịch sử đất nước có 2700 năm, thay vì 4000 năm như nhiều người nghĩ. Con số 4000 năm do một số nhà nho đầu thế kỷ 20 đặt ra để cổ vũ lòng yêu nước, trong đó có Tản Đà ( nước 4000 năm ai người lớn / dân 20 triệu vẫn trẻ con) . Hiến pháp 1992 ghi : nước ta có lịch sử mấy nghìn năm. Một sự thận trọng cần thiết.
Khởi đầu là một nhóm trên lưu vực sông Hồng, sau này gọi là văn minh sông Hồng, họ sống bằng hai nghề chính là đánh cá và trồng trọt. Nhược điểm lớn nhất của người Việt là không có chữ viết. Vì vậy khó biết những suy nghĩ đầu tiên của họ,cũng như những dấu hiệu ban đầu của nền văn minh. Những cái tên như Văn Lang Âu Lạc là do các nhà trí thức của Việt Nam và Trung Quốc sau này dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt.
Chẳng hạn như từ chữ Po khum, nghĩa là thủ lĩnh, phiên thành Hùng Vương
Từ chữ Tục Pắn, tên riêng, phiên thành Thục Phán
Từ chữ mệ nương, cô gái tên Nương, phiên thành Mị Nương..... V.v....
Riêng từ Giao Chỉ là do người Hán đặt cho ta. Nó không có nghĩa chỉ hai ngón chân người Việt giao nhau, mà ý nghĩa sâu sa của nó là chỉ một miền đất.
Từ Văn Lang, tương tự thế, nguyên nghĩa chỉ Con Người.
Vì không có chữ viết nên óc sáng tạo của người Việt bị hạn chế. Họ chỉ có tư duy cụ thể, và chưa bao giờ đạt tới tư duy trừu tượng. Đặc điểm này có ưu điểm là người Việt sẽ có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, nhưng nhược điểm là suốt hơn 1000 năm phong kiến, không có một nhà khoa học nào đúng nghĩa.
Ngay khi lập quốc, người Việt đã phải đối phó với ba thách thức : dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh. Ba thách thức này đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Chỉ đến đầu thế kỷ 21 mới cơ bản giải quyết xong.
Trong ba thách thức đó, chiến tranh là thách thức nghiêm trọng nhất. Nó đến từ phương bắc là chủ yếu. Bi kịch kéo dài hơn 1000 năm bị Trung Quốc đô hộ. Mặc dù đã đồng hoá được hết các bộ tộc phía nam Trường Giang, nhưng Trung Quốc không thể đồng hoá được người Việt. Nguyên nhân cơ bản là cơ sở kinh tế xã hội của người Việt là làng xóm. Họ sống trong làng, với luỹ tre bao bọc xung quanh, văn minh ngoại lai không thể vào được, chỉ quét một lớp sơn trên bề mặt. Từ làng, đến liên làng, đến siêu làng, cả nước là một cái làng lớn. Vì vậy, giữ được làng là giữ được nước, mà muốn giữ làng trước hết phải giữ được tiếng nói. Suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, bằng mọi cách người Việt giữ tiếng nói. Có thể tạo ra một từ ký sinh ví dụ : gà qué, chó má, người ngợm. Trong đó qué, má, ngợm là từ ký sinh bên từ chính. Làm thế để không quên được từ chính.
Có thể phát minh ra lối nói lái, tiếng lóng, hay từ láy, theo kiểu con chuồn chuồn, con cào cào, con châu chấu....
Vì vậy, khi giữ được tiếng nói, dân Việt không bị đồng hóa, dù rất nhiều đời, Trung Quốc đem người Hán sang ở chung với người Việt, kết quả ngược trở lại, những người Hán này trở thành người Việt, nhiều người còn đứng ra lãnh đạo phong trào đấu tranh chống phương Bắc. Điển hình như Lý Bí thế kỷ 6.
Bước ngoặt vào thế kỷ 10, khi Ngô Quyền giành độc lập vĩnh viễn. Vốn liếng trong tay Ngô Quyền có : tiếng nói, phong tục tập quán, nền kinh tế tiểu nông, chữ viết Hán _Nôm và một lãnh thổ kéo dài đến Nghệ An hiện nay.
Ba triều đại đầu tiên : Ngô, Đinh, Tiền Lê có tính chất định hình cho chế độ phong kiến Việt Nam. Rất sơ khai, đơn giản trong cấu trúc nhà nước và cơ cấu kinh tế. Chỉ đến khi nhà Lý ra đời 1009, xã hội phong kiến mới định hình rõ nét. Từ Hoa Lư ra Thăng Long không chỉ có ý nghĩa về mặt thay đổi vị trí địa lý, mà còn là sự thay đổi về nhận thức của một ông Vua chuyên chế, quyết tâm xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh. Hai triều đại Lý Trần dựa trên tư tưởng Phật Giáo, do đó tính nhân đạo thể hiện rõ nét. Không có sự cách biệt nhiều giữa vua, quan với dân. Yết Kiêu, Dã Tượng là nô lệ của Trần Quốc Tuấn, nhưng đã trở thành anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên. Phạm Ngũ Lão xuất thân bình dân cũng có thể là môn khách và con rể của Đức Thánh Trần. Một xã hội tương đối êm dịu và nhẹ nhàng, trừ giai đoạn cuối. Nhưng đến thời Lê sơ, mọi sự đã khác. Nhà Lê thắng nhà Minh về mặt quân sự, nhưng thua về tư tưởng, khi độc tôn Nho giáo, bê nguyên mô hình nhà nước của nhà Minh áp dụng ở Việt Nam. Việt Nam đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 15 dưới Vương triều Lê Thánh Tông, cả về kinh tế, văn hoá, chính trị, lãnh thổ Đại Việt mở rộng đến trung trung bộ, so với các quốc gia Đông Nam Á đương thời thì không nước nào sánh bằng.
Đại Việt không tránh khỏi quy luật nghiệt ngã : khi phát triển đén đỉnh cao, lại là bắt đầu đi xuống. Từ cuối thế kỷ 15, Đại Việt bắt đầu trượt dài về mọi mặt, mặc dù đôi lúc có điểm sáng le lói như Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến. Các cuộc chiến tranh phong kiến liên miên trong các thế kỷ 16, 17, 18 cùng các cuộc khởi nghĩa nông dân đã làm hao mòn vật lực của đất nước.
Cũng trong thời gian đó, cuộc nam chinh được tiến hành dữ dội, bắt đầu từ chuyến ra đi của Nguyễn Hoàng năm 1558. Đến thế kỷ 17, lãnh thổ đã chạm mũi Cà Mau.
Tư tưởng Nho Giáo đã gây ra sự trì trệ. Hầu như không một cuộc cải cách nào giành được thắng lợi. Triều đại có tư tưởng thoát nông, trọng thương là nhà Mạc cũng nhanh chóng bị đánh bại bởi lũ vua quan nhà Lê thủ cựu. Các tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly cũng trở thành trò chơi dưới con mắt của các trí thức phong kiến. Trong cái quy luật chung đó, sự ra đời của nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19 là tiếng thở dài cuối cùng của nền chuyên chế Việt Nam. Mặc dù cơ hội cho nhà Nguyễn rất nhiều, khi ngay từ 1804, chính quyền Pháp đã đề nghị đặt quan hệ ngoại giao, tự do buôn bán, cho truyền đạo Thiên Chúa tự do. Nhà Nguyễn khước từ và vẫn hướng về phương Bắc. Cơn mê ngủ của nhà Nguyễn còn triền miên hơn Mãn Thanh. Khả năng phòng thủ đất nước không còn. Chỉ khi tiếng súng nổ ầm bên tai ngày 1/9/1858 , lúc ấy nhà Nguyễn mới tỉnh giấc. Nhưng mọi sự đã an bài.
Phúc Yên: 28. 10. 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét