Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

PHẠM QUỲNH

Ảnh Wikipedia 

Ông xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 như một hiện tượng đặc biệt, khi văn minh phương Tây đã vào Việt Nam, nhưng chưa định hình, văn hoá truyền thống đang thở những giờ cuối cùng, vẫn còn thoi thóp, một xã hội hỗn canh hỗn cư, đầy biến động và lo âu. Trong bối cảnh đó, tạp chí Nam Phong của ông như làn gió mới thổi vào cuộc sống tinh thần dân tộc. Ông là cái gạch nối đông tây. Ông muốn dang tay chào đón nền văn minh mới, nhưng vẫn muốn duy trì văn hoá cổ truyền, và muốn đem lại cho nó một sức sống mới. Ông kết nối hai nền văn hoá đông tây, đưa văn hoá Việt Nam ra thế giới, và đưa văn minh phương Tây đến Việt Nam. Những kẻ không hiểu ông, lại cho ông có đủ tiếng Hán để lừa Pháp và có đủ tiếng Pháp để bịp người Việt. Thực tế, trên tạp chí Nam Phong, người ta có thể thấy đây là một bộ Bách Khoa toàn thư về Việt Nam và thế giới lúc đó. Với vốn kiến thức sâu sắc, ông đã mở mang dân trí, khai thông dân khí, đề cao chữ quốc ngữ, đặc biệt ông có lý khi nói rằng: tiếng ta còn, nước ta còn. Chẳng phải hơn 1000 năm Bắc thuộc, người Việt không bị Hán hoá là do người Việt giữ được tiếng nói đó sao? 
Ông có biệt tài trong viết du ký.Ba tác phẩm nổi tiếng của ông trên Nam Phong: Pháp du hành trình nhật ký, Ba tháng ở Nam Kỳ, Mười ngày ở Huế đã cho chúng ta những kiến thức văn hoá vô tận. Chuyến đi Pháp của ông đầu những năm 20 thế kỷ trước đưa ta từ Hải Phòng, Vũng Tàu, đến Xinhgapo, Ấn Độ Dương, kênh Xuye, tới Châu Âu, và ở vùng đất nào, ông cũng có những kiến thức sâu rộng và mới mẻ. 
Nếu chỉ có thế, thì ông mãi mãi được người Việt tôn kính là nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn. Bước ngoạt cuộc đời ông năm 1933, khi ông bỏ Hà Nội bỏ Nam Phong, vào Huế làm Thượng Thư, bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông ngây thơ, khi không biết rằng hai lĩnh vực đó hoàn toàn khác nhau. Làm quan cho một chính quyền bù nhìn đã là sai lầm, mà sai lầm lớn hơn là ông nhảy từ địa hạt văn hoá sang lĩnh vực cai trị. Trong bối cảnh đó, ông phải đưa ra chính kiến của mình. Ông chủ trương xây dựng ở Việt Nam chế độ quân chủ lập hiến. Cái thể chế này do nước Anh phát minh ra cuối thế kỷ 17, đến thời ông, không mới cũng không cũ. Nhưng ông cô đơn giữa bao nhiêu thế lực. Trên ông là lũ vua quan bù nhìn, là Pháp, là Nhật. Nên mọi ý tưởng của ông đều chỉ là ý tưởng. 
Nếu ông chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hoá, thì có lẽ bây giờ ở Hà Nội, Sài Gòn sẽ có một con phố nhỏ mang tên ông, như những người cùng thời với ông: Nguyễn Văn Ngọc Phan Kế Bính... 
Và nếu có điều đó, thì cuộc đời của ông cũng đỡ bi thảm hơn.
Ông không được chấp nhận, khi lịch sử thay đổi. Cuộc cách mạng tháng 8, mùa thu năm 45 đã không chấp nhận ông. Chỉ vài ngày sau khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn ở Ba Đình, vào một đêm mùa thu định mệnh trên đất cố đô, người ta đã lôi ông ra khỏi ngôi biệt thự ven sông Hương, và bắn chết ông. Cái chết của ông đến giờ vẫn đầy bí hiểm. Ai ra lệnh giết ông? Ai là người bắn ông? Nhưng chắc chắn không phải là những lãnh tụ của Đảng cộng sản, họ không có lý do gì để hại ông. 
30 năm sau ngày ông ra đi, một người con trai của ông đã viết những câu: như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Chẳng biết nơi chín suối, ông có ngậm cười?
                                                                                                  Trần Khoa: 09. 10. 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẢN MẠN VỀ TRUNG QUÔC

Chưa bao giờ dân Việt lại ghét Tàu như bây giờ, ghét cay ghét đắng.  Giống như ngày xưa, có thời ghét Pháp, ghét đến mức độ nếu có điều kiện...